Cây cà phê Robusta
Cà phê Robusta là một giống cà phê Canephora (Coffea canephora var. robusta). Là một trong hai loại cà phê chính được trồng thương mại cùng với Arabica (Coffea arabica) và các loại varietal của nó.
Đặc điểm cây cà phê Robusta và điều kiện sinh trưởng
Cà phê Robusta có nguồn gốc ở miền trung và miền tây châu Phi cận Sahara. Nó dễ chăm sóc, có năng suất cao. Cây cafe Robusta có thể cao tới 10 mét, nhưng hệ thống rễ của chúng rất nông.
Robusta là cây cà phê dễ phát triển hơn vì chúng chịu được điều kiện khí hậu và đất đai kém thuận lợi hơn và phát triển ở độ cao thấp. Chúng cũng có sức đề kháng sâu bệnh tốt. Do đó cà phê Robusta chăm sóc dễ hơn và đầu tư ít tốn kém hơn.
Cây cà phê Robusta 3-4 tuổi có thể bắt đầu thu hoạch. Cây cho hạt trong khoảng từ 20 đến 30 năm. cây cafe Robusta ưa sống ở vùng nhiệt đới, độ cao thích hợp để trồng cây là từ 600m đến 1000 m. Nhiệt độ ưa thích của cây khoảng 24-29°C, lượng mưa khoảng trên 1.000 mm. Cây cafe Robusta cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn so với cây cà phê Arabica.
Hình dạng quả và cung cầu cà phê Robusta trên thế giới
Trên thế giới, khoảng 70% cà phê được trồng là Arabica, trong khi cà phê Robusta chỉ chiếm khoảng 25% cà phê thương mại toàn cầu. Cafe Robusta được sử dụng làm các loại cà phê hòa tan, và chứa khoảng gấp đôi chất caffeine so với hạt cà phê Arabica.
Cà phê Robusta có quả tròn, hạt hình bầu dục nhìn chung nhỏ hơn hạt Arabica.
Hương vị cà phê Robusta và sử dụng
Đặc điểm hương vị của cà phê Robusta
Các hạt cà phê robusta rang tạo ra một loại cà phê mạnh mẽ, có hương vị đặc trưng, nhưng thường có vị đắng hơn arabica do hàm lượng pyrazine cao. Khi đã rang, cafe Robusta thường ngửi thấy mùi cháy, hơi gỗ. Robusta cũng có độ axit thấp, vì thế chúng có vị chua nhẹ hơn Arabica và chứa ít đường hơn (3-7% so với arabica 6-9%).
Hương là một điểm yếu của Robusta, nó không được mạnh mẽ và rõ ràng. Nếu rang Light Roast hoặc Medium Roast nó có mùi hương đặc trưng. Nhưng cũng rất dễ lộ rõ những mùi hương không mong muốn nếu như cà phê nguyên liệu bị nhiễm bẩn, bị mốc. Chính vì vậy cafe Robusta trên thế giới chủ yếu được dùng làm cà phê hòa tan hoặc làm cà phê nền trong phối trộn để ra các dòng cà phê khác nhau.
Cà phê Robusta được sử dụng như thế nào?
Mặc dù cà phê Robusta không có sự hiện diện đáng kể trong thị trường cà phê dành cho những người sành nhưng chúng thường được sử dụng làm nền để pha trộn cà phê espresso nhằm tăng cường thể chất (body) của cà phê espresso.
Cà phê Robusta được sử dụng trong các loại pha cà phê espresso truyền thống của Ý với tỷ lệ hợp lý. Ngoài mục đích cung cấp hương vị đầy đủ cho espresso chúng còn có tác dụng tạo lớp bọt tốt hơn (được gọi là crema). Nguyên nhân là do chúng ít dầu hơn Arabica nên tạo được lớp bọt tốt hơn và độ ổn định của lớp bọt cũng tốt hơn.
Một số chủng cà phê Robusta phổ biến
Những chủng cà phê Robusta thuần
Một số chủng Robusta thuần được liệt kê dưới đây. Phổ biến nhất vẫn là chủng Robusta được trồng rộng rãi.
- Robusta
- Hybrido de Timor
- Tupi
- IAPAR59
- Obata
- Lempira
- Catisic
- IHCAFE90
- ICAFE95
- Catrenic
- Colombia
Một số chủng lai của cà phê Robusta
Catimor là một sự kết hợp giữa Caturra (một đột biến tự nhiên của Bourbon thuộc Arabica) và Hybrido deTimor (thuộc chi Robusta). Cây cà phê Catimor được biết đến nhờ khả năng chống lại bệnh gỉ sắt, cho năng suất cao, hương thơm hơn và độ axit cao hơn Robusta.
Chủng lai Icatu được tạo ra thông qua việc lai các giống Coffea arabica và Coffea canephora (robusta). Chủng này có tên là Icatu hoặc có tên gọi khác là Arabustas.
Một chủng khác là Ruiru 11 được tạo ra bởi 3 chủng lai Rume Sudan, LS-28 (thuộc giống Arabica) và Hybrido de Timor (thuộc giống Robusta)
Khu vực trồng cà phê Robusta trên thế giới và việt Nam
Trên thế giới
Cà phê Robusta trên thế giới hiện nay chỉ chiếm khoảng gần 40% tổng sản lượng cà phê. Chúng được trồng nhiều nhất ở Việt Nam và Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới chiếm hơn 40% tổng sản lượng. Một số quốc gia khác được nhắc đến dưới đây.
Brazil (25% sản lượng Robusta của thế giới)
Indonesia (15%)
Ấn Độ (6%)
Uganda (4,5%).
Trung Phi, Đông Phi, Tây Phi
Cà phê Robusta Việt Nam
Hiện nay, ít nhất trên 80% diện tích trồng cà phê của Việt Nam là Robusta. Chúng được trồng nhiều nhất ở Đak Lawk, sau đó đến ĐăK Nông, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai…
Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% tổng sản lượng trong những năm gần đây. Vấn đề là thật khó để tìm được cà phê Robusta chất lượng cao ở Việt Nam.
Việt Nam hiện còn rất ít giống Robusta thuần chủng, mà phần lớn là các giống lai tạo, đột biến… để tăng năng suất và tăng khả năng giảm tác hại của sâu bệnh. Vì vậy, chất lượng cà phê Robusta ở Việt Nam cũng đi xuống. Đa phần cafe Robusta của Việt Nam xuất khẩu ra thể giới để làm cà phê hòa tan nên giá thành cũng thấp so với thế giới.
Ngoài ra chất lượng cà phê Robusta còn phụ thuộc vào quá trình chăm sóc, thu hái và chế biến. Ở Việt Nam hầu như Robusta được thu hái đại trà, tỷ lệ trái xanh quá nhiều. Quy trình chế biến từ quả cà phê cho ra hạt cà phê nhân không đạt chất lượng. Nó thiếu kiểm soát, làm cho cà phê nguyên liệu bị nhiễm bẩn, nhiễm vi sinh, nấm mốc…Vì vậy chất lượng và giá thành giảm đáng kể.
Trên đây là bài tổng hợp những hiểu biết căn bản về cà phê Robusta. Rất mong được những đóng góp từ những Anh Chị yêu thích và am hiểu về cà phê. Với mong muốn nội dung được chia sẻ đến nhiều người có chất lượng tốt hơn.